Câu lạc bộ
PHÒNG NGHE NHÌN VỚI HỆ THỐNG HIỆN ĐẠI
Đổi mới giáo dục nói chung, phương pháp dạy học nói riêng là quy luật phát triển của thời đại và của bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát triển xã hội, của giáo dục và của chính bản thân người làm công tác giáo dục, của giáo viên và học sinh trong điều kiện mới (Hà Thế Truyền, 2010). Đổi mới phương pháp dạy học là sự kế thừa, có chọn lọc và sáng tạo dựa trên những giá trị tích cực của phương pháp dạy học truyền thống. Đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi phải kiên quyết loại bỏ các phương pháp dạy học lạc hậu, truyền thụ một chiều, biến học sinh thành người thụ động trong học tập, mất dần khả năng sáng tạo vốn có của người học thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật có khả năng ứng dụng trong quá trình dạy học nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Việc khắc phục những trở ngại về tâm lý, những thói quen ở người học và người dạy đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Trong 6 thành tố của quá trình dạy học gồm: Mục tiêu, Nội dung, Phương pháp, Giáo viên, Học sinh và Phương tiện dạy học thì phương pháp dạy học giữ vai trò, ý nghĩa quan trọng không thể thiếu được trong quá trình dạy học (Tô Xuân Giáp, 1997).
Sử dụng phòng học đa phương tiện sẽ góp phần đổi mới phương pháp dạy học thông qua những điểm sau :
- Sử dụng đa phương tiện trong dạy học mang lại cho chúng ta nguồn thông tin phong phú và sinh động, bài giảng trở nên trực quan hơn, bài giảng sống động hơn, thu hút sự tập trung, niềm say mê hứng thú của người học, làm cho người học dễ hiểu và nhớ lâu, giúp giảm bớt thời gian tìm hiểu vấn đề và làm cho việc trau dồi kiến thức được bền hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn.
- Đa phương tiện phản ánh đúng đắn thực tế khách quan và qua đó cung cấp cho người học những kiến thức chính xác và cụ thể những vấn đề đang nghiên cứu. Đa phương tiện đặc biệt phù hợp với việc mô phỏng ở những nơi mà chương trình có độ phức tạp, trừu tượng và năng động cao. Mô phỏng cho phép người học trực quan hóa quá trình và xây dựng những mô hình trí tuệ.
- Đa phương tiện góp phần tăng cường hoạt động nhận thức, cảm giác, tri giác các sự vật, hiện tượng, giúp cho việc lĩnh hội kiến thức mới thuận lợi hơn, vững chắc hơn.
- Đa phương tiện giúp người thày có thể truyền đạt bằng nhiều con đường khác nhau những lượng thông tin cần thiết cho việc tiếp thu bài học của học sinh. Việc tiếp thu kiến thức có hiệu quả cao khi học sinh nhận được lượng tin từ nhiều nguồn tri giác khác nhau và trong hoạt động riêng của mình, tổng hợp và chọn lọc những nguồn tin đó.
- Đa phương tiện góp phần chống hình thức dạy và học “chay” trong điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phòng thí nghiệm, phòng thực hành còn thiếu thốn và lạc hậu như hiện nay. Nó còn có mục đích làm cho việc học “mang tính xã hội tích cực hơn, liên ngành hơn và nhiều kiến thức được liên kết lại với nhau hơn trong một thế giới”.